Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Gieo hạt giống văn hóa từ tuổi thơ

2025-03-17 15:32:00.0

Trong nhịp sống hối hả của thời đại công nghệ, khi những giai điệu sôi động của nhạc thiếu nhi hiện đại hay các ca khúc nước ngoài ngập tràn trên các nền tảng trực tuyến, những câu hát dân ca dường như dần trở nên xa vắng. Tuy nhiên, tại huyện Đồng Hỷ, một hướng đi mới đang được triển khai nhằm khơi dậy tình yêu với âm nhạc truyền thống ngay từ bậc học mầm non. Việc đưa dân ca vào giảng dạy trong các trường mầm non không chỉ giúp các em nhỏ tiếp cận với những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển ngôn ngữ và cảm thụ âm nhạc ngay từ những năm đầu đời.

Trong nhịp sống hối hả của thời đại công nghệ, khi những giai điệu sôi động của nhạc thiếu nhi hiện đại hay các ca khúc nước ngoài ngập tràn trên các nền tảng trực tuyến, những câu hát dân ca dường như dần trở nên xa vắng. Tuy nhiên, tại huyện Đồng Hỷ, một hướng đi mới đang được triển khai nhằm khơi dậy tình yêu với âm nhạc truyền thống ngay từ bậc học mầm non. Việc đưa dân ca vào giảng dạy trong các trường mầm non không chỉ giúp các em nhỏ tiếp cận với những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển ngôn ngữ và cảm thụ âm nhạc ngay từ những năm đầu đời.

Trường Mầm non Vân Hán lồng ghép dạy các làn điệu dân ca trong các tiết học 

Tại Trường Mầm non Vân Hán, xã Văn Hán, bên cạnh các phương pháp truyền thống, dân ca đã trở thành một công cụ giảng dạy đặc biệt trong tiết học tăng cường tiếng Việt. Nhà trường đã xây dựng một chương trình phù hợp với từng độ tuổi, trong đó trẻ nhỏ được làm quen với dân ca qua nhiều hình thức phong phú như nghe nhạc, hát cùng cô, múa minh họa theo giai điệu, hoặc kể chuyện bằng lời hát.  Cô giáo Nguyễn Thị Ly, Trường Mầm non Vân Hán, xã Văn Hán chia sẻ: "Hiện nay, việc đưa làn điệu dân ca vào giảng dạy đã được nhà trường áp dụng. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, các em không chỉ được tìm hiểu về những làn điệu dân ca đặc sắc của từng vùng miền mà còn rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, đối với Trường Mầm non Vân Hán – nơi có nhiều học sinh dân tộc Nùng, việc lồng ghép làn điệu dân ca vào các giờ học tuy có những khó khăn nhất định nhưng đã được nhà trường triển khai linh hoạt thông qua các chuyên đề. Nhà trường thường xuyên mời các nghệ nhân dân tộc Nùng đến giao lưu, trò chuyện và trực tiếp hướng dẫn các em, giúp các em thêm yêu và tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình".

Không chỉ riêng Trường Mầm non Văn Hán, các trường Mầm non khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng đặc biệt quan tâm đến việc đưa dân ca vào giảng dạy cho trẻ. Nhiều trường đã chủ động triển khai các hoạt động sáng tạo để giúp các bé tiếp cận với những làn điệu truyền thống một cách tự nhiên và hứng thú hơn. Bên cạnh việc lồng ghép dân ca vào các tiết học, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như giao lưu văn nghệ, ngày hội âm nhạc dân gian hoặc thi hát dân ca giữa các lớp. Việc mời nghệ nhân đến trường cũng trở thành một hoạt động quen thuộc, giúp trẻ không chỉ học hát mà còn được nghe kể về lịch sử, ý nghĩa của từng bài dân ca. Cô giáo Dương Thùy Lê, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cây Thị, xã Cây Thị cho biết: "Đối với Trường Mầm non Cây Thị hiện có 12 nhóm lớp, 222 trẻ. Tỷ lệ trẻ là người dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, chủ yếu là dân tộc Dao. Việc đưa các làn điệu dân ca vào các hoạt động của trẻ được nhà trường quan tâm. Đặc biệt những năm gần đây, việc giáo dục đa văn hóa về âm nhạc được nhà trường thực hiện, lồng ghép trong các hoạt động học của các con.Trong các tiết học tăng cường tiếng Việt, chúng tôi cũng có mời các nghệ nhân đến giao lưu, dạy dân ca dân tộc cho các trẻ".

Huyện Đồng Hỷ đã tổ chức thành công Hội thi Bé với làn điệu dân ca cấp học mầm non năm học 2024 - 2025

Đặc biệt, để lan tỏa phong trào này rộng hơn, huyện đã tổ chức Hội thi “Bé với làn điệu dân ca” cấp học mầm non huyện Đồng Hỷ năm học 2024-2025 với sự tham gia của các trường mầm non trên địa bàn. Không khí của hội thi thực sự sôi động và hào hứng với sự tham gia của gần 200 bé mầm non đến từ các trường trong huyện. Dưới ánh đèn sân khấu, những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc càng khiến phần trình diễn của các bé thêm phần ấn tượng. Bé Trương Tú Linh, đến từ Trường Mầm non Hóa Trung, xã Hóa Trung chia sẻ: "Hôm nay con biểu diễn bài hát Ru em, dân ca Xê Đăng và bài hát Ính lả ơi, dân ca Thái. Con thấy rất là vui. Con tự tin hơn và yêu đất nước mình nhiều hơn. Con sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi nhiều hơn nữa".

Còn bé Cao Thị Thanh Vân đến từ Trường Mầm non số 2 Minh Lập, xã Minh Lập nói: "Hôm nay con biểu diễn bài hát Cò Lả, dân ca đồng bằng Bắc Bộ và Lý kèo chài, dân ca Nam Bộ. Ở nhà con rất thích hát những bài này".

Bé Vi Trung Kiên, Trường Mầm non số 2 Minh Lập, xã Minh Lập phấn khởi: "Con rất vui khi đến tham dự hội thi. Hôm nay con đóng vai nhân vật Lý Trưởng. Bộ trang phục này con rất thích".

Những gương mặt rạng rỡ, những tiếng hát trong trẻo vang lên trên sân khấu chính là minh chứng cho sự thành công của phong trào giảng dạy dân ca trong các trường mầm non trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, dân ca còn trở thành một phần tuổi thơ, gieo vào lòng các em tình yêu với âm nhạc truyền thống và niềm tự hào về văn hóa dân tộc.

Huyện Đồng Hỷ hiện có 19 trường Mầm non (trong đó công lập 17; tư thục 02) với 245 nhóm, lớp, gần 5.900 trẻ. Nhận thức rõ vai trò của dân ca trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngành giáo dục huyện Đồng Hỷ đã có chủ trương và kế hoạch cụ thể để đưa dân ca vào giảng dạy tại các trường mầm non. Đồng chí Nguyễn Thế Lương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, cho biết: "Thực hiện kế hoạch năm học, ngay từ đầu năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiệm vụ đối với bậc học mầm non, trong đó có kế hoạch tổ chức hội thi “Bé với làn điệu dân ca”. Bên cạnh đó, Phòng cũng đã chỉ đạo các cụm chuyên môn đưa nội dung này vào các buổi sinh hoạt chuyên đề. Trong những buổi sinh hoạt đó, nhà trường mời các nghệ nhân địa phương đến giao lưu, hướng dẫn để hỗ trợ giáo viên và trẻ thực hành, tiếp cận sâu hơn với làn điệu dân ca. Việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ dừng lại ở các hội thi mà còn được lồng ghép vào các hoạt động chuyên đề, tích hợp với chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ, góp phần giáo dục trẻ tình yêu với văn hóa dân tộc ngay từ lứa tuổi mầm non".

Những câu hát dân ca mộc mạc, đậm đà bản sắc đang từng ngày được gieo mầm trong tâm hồn trẻ thơ, trở thành sợi dây kết nối các em với cội nguồn văn hóa dân tộc. Trên những sân khấu của hội thi hay trong từng góc lớp mầm non, tiếng hát trong trẻo của các bé cất lên không chỉ là niềm vui tuổi thơ, mà còn là minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của dân ca giữa cuộc sống hiện đại.

Việc đưa dân ca vào giảng dạy không chỉ giúp trẻ trau dồi ngôn ngữ, phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc mà còn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước ngay từ những năm tháng đầu đời. Những nỗ lực của ngành giáo dục huyện Đồng Hỷ cùng sự tâm huyết của các thầy, cô giáo sẽ tiếp tục viết nên hành trình gìn giữ và phát triển những giai điệu quê hương, để dân ca không chỉ là ký ức của thế hệ trước, mà còn là niềm tự hào của những thế hệ mai sau./.

Lê Nguyệt (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2154507