LỊCH SỬ
Năm 2016, xã Quang Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 1.405,25ha, trong đó diện tích rừng là 402,38ha (chiếm 28,7% tổng diện tích tự nhiên). Rừng được coi là thế mạnh kinh tế của địa phương. Từ đầu thế kỷ XX, rừng của xã chủ yếu là rừng già nguyên sinh, tạo nên quần thể tự nhiên phong phú, đa dạng. Bên cạnh những loại cây như tre, nứa, trong rừng còn có nhiều loài thực vật quý hiếm như chò chỉ, lim, nghiến, lát... và nhiều động vật phong phú như: hổ, báo, các loại chim rừng, gà rừng... Từ xưa, người dân đã biết tận dụng nguồn tài nguyên rừng phục vụ đời sống như: lấy gỗ làm nhà, tre, nứa phục vụ đan lát, săn bắt phục vụ nhu cầu thực phẩm. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã được Liên khu Việt Bắc chọn để xây dựng khu căn cứ địa, Sở chỉ huy. Từ năm 1947 đến năm 1953, Liên khu Việt Bắc đã xây dựng Trường Phùng Chí Kiên (tại xóm Na Lay) và Hội trường
Hoàng Văn Thụ (tại xóm Đồng Thu 2) để đón cán bộ cấp cao về họp bàn, sinh hoạt. Tuy nhiên, từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, do công tác quản lý rừng còn hạn chế, khiến tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng lấy gỗ, củi, sẵn bắt tràn lan nên diện tích rừng bị thu hẹp dần, các sản vật quý của rừng bị cạn kiệt, nhất là các loài động vật quý hiếm. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ rừng, một trong những ưu tiên hàng đầu của xã là việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện tiến hành ngăn chặn, thu giữ, xử lý các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng theo quy định. Bên cạnh đó, xã cũng làm tốt công tác giao đất, giao rừng cũng như tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ tài nguyên rừng, phòng chống cháy rừng cho nhân dân, góp phần khôi phục lại màu xanh phủ kín các vùng đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn.
Về khí hậu, theo Đồng Khánh địa dư chí, Quang Sơn là vùng “Khí trời lạnh nhiều, đến cuối xuân vẫn còn mát, mùa hè thì nóng, đầu thu trở lạnh dần dần, mùa đông thì rét đậm”. Nhìn chung, khí hậu của xã Quang Sơn mang nét đặc trưng của khí hậu vùng Đông Bắc Việt Nam, mùa đông lạnh, ít mưa, mùa hè nắng ẩm, mưa nhiều, thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình 23,8°C. Gió chủ đạo trên địa bàn xã là gió Đông Nam vào mùa hè và gió Đông Bắc vào mùa đông. Lượng mưa trung bình toàn xã từ 1.600 - 1.800mm. Mưa lớn theo mùa từ tháng 6 đến tháng 9, tuy nhiên phân bố lượng mưa không đều trong tháng. Có đợt mưa kéo dài 2 - 3 ngày trong tháng chiếm tới 70% lượng mưa của cả mùa. Mùa khô từ tháng 11 kéo dài đến tháng 3 năm sau. Vào tháng 1, tháng 2, mưa phùn kèm theo giá rét kéo dài do ảnh hưởng của không khí lạnh. Lượng mưa mùa khô chỉ đạt 17 - 24mm. Độ ẩm trung bình từ 80 - 90%, cao nhất 90%, thấp nhất 60%. Số giờ nắng trung bình là 1.600 - 1.800 giờ, mùa hè khoảng từ 6 - 7 giờ, mùa đông từ 3 - 4 giờ.Về thổ nhưỡng, xã có 4 loại đất chính. Đất phù sa phân bố tập trung chủ yếu dọc ven con suối lớn và một phần diện tích giáp với thị trấn Sông Cầu. Đất phù sa có thành phần cơ giới trung bình, đất ít chua, hàm lượng dinh dưỡng khá, rất thích hợp cho phát triển các loại cây trồng nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng ngắn ngày (lúa, ngô, đậu, rau màu). Đất dốc tụ được hình thành do rửa trôi và lắng đọng của tất cả các loại đất ở các chân sườn thoải hoặc khe dốc, nên thường có độ phì khác nhau.
Đây là loại đất rất thích hợp với trồng ngô, đậu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Đất đỏ vàng trên phiến thạch sét là loại đất có diện tích lớn nhất, phân bố tập trung thành các vùng lớn. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, cấu trúc dạng cục, ngập nước lâu ngày sẽ có quá trình gley hóa mạnh, loại đất này có độ dốc từ 8 đến 25, rất thích hợp với phát triển cây chè, cây ăn quả. Đất đỏ vàng bị biến đổi do trồng lúa, phân bố phân tán ở các thôn, xóm trong xã, phục vụ trồng lúa cũng như một số loại cây hoa màu khác.
Quang Sơn được xác định là một vùng đất cổ. Theo những tư liệu khảo cổ học cũng như thông qua các truyền thuyết dân gian và các tư liệu thành văn, vùng đất Quang Sơn nói riêng và huyện Đồng Hỷ nói chung có lịch sử hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm. Năm 1990, tại xóm Đồng Thu 2 đã phát hiện 1 chiếc trống đồng ở độ sâu 1m. Trống có kích thước cao 18cm, đường kính mặt 30,1cm, đường kính chân 43,7cm, trọng lượng 4,8kg. Mặt trống được trang trí bằng 7 hình tròn đồng tâm, gần tâm trống là đường tròn trang trí hình người cách điệu, trang sức lông chim. Tiếp theo là vành hoa văn trang trí 6 con chim lạc cách điệu bay cùng chiều thuận kim đồng
hồ. Giữa mặt trống là ngôi sao 8 cánh mảnh nổi. Việc phát hiện trống đồng ở Quang Sơn chứng tỏ trong lịch sử, vùng đất này đã sớm có con người đến cư trú.
Thời Trần, vùng đất Quang Sơn thuộc huyện Đồng Hỷ, sau đổi thành huyện Đồng Gia, rồi lại đổi thành huyện Đồng Hỷ, một trong 7 châu, huyện thuộc phủ Phú Bình. Đến thời nhà Nguyễn, huyện Đồng Hỷ gồm 8 tổng là: Niệm Quang, Huống Thượng, Hóa Thượng, Túc Duyên, Đồng Na, Vân Lăng, Lịch Sơn, Thượng Nùng (nay là Thượng Nung). Địa bàn Quang Sơn thuộc tổng Vân Lăng.
Năm 1901, thực dân Pháp cắt 3 tổng Vân Lăng, Thượng Nung, Lịch Sơn về châu Vũ Nhai (Võ Nhai). Theo sách Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, đầu thế kỷ XX, địa bàn Quang Sơn bao gồm làng Xuân Quang và một phần xã Lịch Sơn thuộc tổng Vân Lăng, châu Vũ Nhai cùng với xóm Đồng Thu thuộc xã Hóa Trung, tổng Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Trong đó, xã Lịch Sơn gồm 4 thôn: Lịch Sơn, Đồng Dong, Khuôn Vạc, Khuôn Ngục.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xóm Đồng Thu sáp nhập vào Xuân Quang. Năm 1946, Xuân Quang và Lịch Sơn sáp nhập vào xã La Hiên. Tháng 11/1953, xã La Hiên được chia tách thành xã La Hiên và xã Quang Sơn thuộc huyện Võ Nhai. Xã Quang Sơn thành lập trên phần đất của Xuân Quang và Lịch Sơn. Từ đây, tên gọi xã Quang Sơn chính thức ra đời và tồn tại cho đến nay. Khi mới thành lập, xã có 8 xóm gồm: Làng Giai, Cây Thị, Đồng Dong, Khuôn Vạc, Đồng Chuỗng, Xuân Quang, Đồng Thu, La Giang.
Trong thời kỳ miền Bắc tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa (từ năm 1958), các xóm dân cư thuộc xã Quang Sơn được tập hợp, tổ chức lại theo hình thức các đội sản xuất, cả xã có 2 hợp tác xã lớn là hợp tác xã Đồng Thu và hợp tác xã Xuân Quang. Hợp tác xã Đồng Thu gồm 4 đội sản xuất: Viến Ván, La Giang, Đồng Thu, Lân Tây; Hợp tác xã Xuân Quang gồm 5 đội sản xuất: Đồng Chuỗng, Na Lay, Xuân Quang, Na Oai, Bãi Cọ. Năm 1965, đội Đồng Thu tách thành 2 đội là: Đồng Thu và Km15. Đến năm 1983, đội sản xuất Xuân Quang được tách thành 2 đội: Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2. Xuân Quang 2 gồm các hộ dân ở Cao Bằng chuyển xuống từ sau năm 1975.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), chủ trương đổi mới toàn diện đất nước chính thức được thông qua, mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, làm ăn tập thể bị xóa bỏ. Trên cơ sở đó, các đội sản xuất cũng không còn. Do đó, các khu dân cư lại được tổ chức theo mô hình các xóm. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, xóm Đồng Thu được tách thành 2 xóm mới là xóm Đồng Thu 1 và Đồng Thu 2. Từ đó, xã Quang Sơn bao gồm các xóm: La Giang, Lân Tây, Đồng Thu 1, Đồng Thu 2, Viến Ván, Đồng Chuỗng, Na Lay, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Na Oai, Bãi Cọ, xóm Km17 (xóm Km17 được thành lập vào năm 1990, là xóm của người Mông di cư đến từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX). Đến tháng 4/1994, xóm Km17 được tách thành 2 xóm: Trung Sơn và Lân Đăm (xóm xung quanh núi đá). Đến năm 1998, xóm La Giang được tách thành 2 xóm: La Giang 1 và La Giang 2. Cũng trong năm 1998, khi thị trấn Nông trường Sông Cầu giải thể, 60 hộ gia đình ở đây chuyển về xã Quang Sơn và thành lập xóm mới gọi là xóm La Tân.
Từ năm 2006 đến nay, xã Quang Sơn có 15 xóm: Bãi Cọ, Na Oai, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Na Lay, Đồng Chuỗng, Viến Ván, Đồng Thu 1, Đồng Thu 2, La Giang 1,La Giang 2, La Tân, Lân Tây, Trung Sơn, Lân Đăm.
Con người và truyền thống
Quang Sơn là vùng đất có lịch sử lâu đời, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Kinh, Nùng, Mông, Tày... Cư dân ở Quang Sơn chủ yếu là người các nơi khác đến khai hoang, lập nghiệp. Lúc đầu, dân cư còn thưa thớt, tạo thành những chòm xóm nhỏ, chủ yếu ở những nơi thuận lợi về giao thông và canh tác: khu vực Đồng Thu 1, Đồng Thu 2, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Viến Ván... Dần dần, qua các đợt di cư, vận động đồng bào vùng cao hạ sơn, định cư, làm lúa nước và các cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi xây dựng kinh tế mới, dân cư ở xã Quang Sơn trở nên đông đúc dần. Năm 1927, dân số xã Lịch Sơn có 126 người, xã Xuân Quang có 61 người. Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất Quang Sơn (bao gồm địa bàn xã La Hiên, huyện Võ Nhai ngày nay) có dân số là 192 hộ, với 1.021 nhân khẩu; trong đó, đông nhất là dân tộc Nùng với 426 nhân khẩu, tiếp theo là các dân tộc Kinh (394 nhân khẩu), Sán Dìu (148 nhân khẩu), Tày (53 nhân khẩu). Năm 1953, xã Quang Sơn có 465 nhân khẩu. Sau thời kỳ giảm tô (năm 1955), xã Quang Sơn có 123 hộ, 508 nhân khẩu (trong đó có 159 người Kinh, 148 người Nùng, 148 người Sán Chay (nhóm Cao Lan) và 53 người Tày). Năm 1964, xã Quang Sơn có 960 người. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, xã Quang Sơn có 235 hộ, 1.578 nhân khẩu. Đến năm 2016, xã Quang Sơn có 802 hộ với 3.157 nhân khẩu (trong đó dân tộc Kinh có 1.386 người, dân tộc Nùng có 1.202 người, dân tộc Mông có 254 người, dân tộc Tày có 159 người, dân tộc Sán Dìu có 53 người, dân tộc Dao có 44 người, dân tộc Cao Lan có 43 người, dân tộc Mường có 16 người).
Dân tộc Kinh ở Quang Sơn gồm các dòng họ: Triệu, Nguyễn, Dương... Đây là những dòng họ đầu tiên đến khai phá vùng đất này. Lúc đầu, họ chủ yếu sống ở ven suối, nơi có đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước. Tiếp đó, vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, thực hiện chủ trương vận động đồng bào miền xuôi đi xây dựng kinh tế mới, một số hộ gia đình người Kinh đã lên Quang Sơn an cư lạc nghiệp. Họ sống rải rác ở hầu hết các xóm. Đến nay, dân tộc Kinh là tộc người có số lượng dân cư đông nhất ở Quang Sơn. Người Nùng ở Quang Sơn có nguồn gốc chủ yếu ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Trong những năm 1931 - 1935, cùng với các đợt di cư của người Nùng từ Lạng Sơn xuống Thái Nguyên, một bộ phận người Nùng đã đến vùng đất này khai hoang, lập nghiệp. Người Nùng ở Quang Sơn thuộc các dòng họ: Lưu, Lý, Lâm và Triệu. Đến nay, người Nùng có số dân đông thứ hai ở Quang Sơn (sau dân tộc Kinh). Người Nùng sống ở các xóm trong xã, trong đó xóm Viến Ván là xóm chỉ có người Nùng sinh sống.
Ngoài dân tộc Kinh và dân tộc Nùng, ở Quang Sơn còn có các thành phần dân tộc khác như: Mông, Mường, Dao, Tày, Cao Lan, Sán Dìu. Trong đó dân tộc Mông chủ yếu sống ở 2 xóm Trung Sơn và Lân Đăm, còn các dân tộc khác sống rải rác ở các xóm.
Trên địa bàn xã Quang Sơn còn lưu lại nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Trước đây, ở Quang Sơn có nhiều đình”, trong đó lớn nhất là đình Xuân Quang và đình Đồng Thu. Năm 1952, đình Xuân Quang bị máy bay Pháp ném bom hư hỏng toàn bộ. Sau đó, nhân dân đã dựng lại đình cách địa điểm cũ 200m về phía đông. Khoảng cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đình Xuân Quang và đình Đồng Thu bị hư hỏng nặng. Năm 2013, nhân dân 6 xóm trong khu vực Xuân Quang đã đóng góp để phục dựng lại đình Xuân Quang tại chân núi đá thuộc xứ Đồng Đình, xóm Xuân Quang và tổ chức các nghi lễ theo đúng tục lệ từ đó đến nay. Lễ hội đình Xuân Quang diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm.
Từ năm 2004, phần đất của đình Đồng Thu nằm trong khu vực Nhà máy Xi măng Quang Sơn. Trước đây, lễ hội đình Đồng Thu diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, nay không còn được duy trì.
Ở Quang Sơn, mối quan hệ dòng tộc, mối quan hệ xóm làng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đồng bào các dân tộc trong xã có mối quan hệ bề chặt, khăng khít với nhau trong lĩnh vực sản xuất cũng như đời sống tinh thần. Nhân dân thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, nhất là các dịp lễ, Tết, giỗ chạp, cưới xin, ma chay... Thông qua các dịp đó, tình làng, nghĩa xóm càng thêm gắn bó keo sơn, là sức mạnh để người dân chống lại thiên tai, địch họa trong suốt tiến trình lịch sử địa phương và dân tộc.
Là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc với các phong tục tập quán khác nhau đã mang lại cho xã Quang Sơn những sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng, tạo nên sự giao thoa văn hóa trong cộng đồng các dân tộc xã Quang Sơn. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã luôn gìn giữ, phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Tính cộng đồng, hợp tác và tinh thần tương thân, tương ái không chỉ bó hẹp trong phạm vi một dòng họ, một dân tộc mà còn được mở rộng ra khắp các thôn, xóm trong và ngoài xã; tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt, gắn bó.
Nhân dân Quang Sơn vốn có cuộc sống ổn định, lâu dài nên từ lâu đã có kinh nghiệm thâm canh, tăng vụ lúa nước để đạt năng suất và sản lượng cao. Từ lâu, nhân dân Quang Sơn đã chú trọng đến việc chăm sóc, phát triển trồng trọt. Tại Hương ước xã Lịch Sơn lập năm 1942 có viết: Về việc hoa màu nếu ai thả súc vật như gà, vịt, lợn, dê, cừu, trâu, bò ra hủy hoại hoa màu của dân, bắt được quả tang người chủ sở hữu bị thiệt hại đem đến Trưởng hội đồng thì người chủ phải bị phạt 500 vào công quỹ làng xã và phải bồi thường tương đương với các hoa màu thiệt hại cho người chủ sở hữu. Để tăng độ phì nhiêu cho đất, người dân đã quan tâm đến cải tạo đồng ruộng, trong đó quan trọng nhất là bón phân cho đất thông qua việc tận dụng phân của các loại gia súc và làm phân xanh. Công tác thủy lợi được đặc biệt chú trọng. Người dân đã tiến hành đào mương dẫn nước từ các khe suối, đồng thời, chia nhỏ ruộng, đào, đắp các mương, phai để giữ nước, đào ao... đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Lúa được cấy 2 vụ chính là vụ đông xuân và vụ hè thu, bên cạnh đó, nhân dân còn biết xen canh tăng vụ, xen giữa hai vụ mùa chính, người dân thường trồng màu với các loại cây như: khoai lang, khoai sọ, sắn, lạc, đỗ. Cùng với trồng trọt, nhân dân cũng rất chú trọng đến chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, vịt... Ngoài ra, nhân dân xã còn tận dụng mặt nước ao, hồ để nuôi thả cá. Bên cạnh trồng lúa nước, người dân còn biết dựa vào rừng để khai thác lâm thổ sản, đi săn bắn; hái hoa quả, măng, nấm trong rừng phục vụ đời sống. Ngoài ra ở những vùng đồi thấp, người dân còn phát rẫy làm vườn tiến hành canh tác lâu dài.
Bên cạnh truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, nhân dân Quang Sơn còn có truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Tinh thần đó được thể hiện một cách rõ nét trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Ngày 17/3/1884, từ Bắc Ninh, thực dân Pháp đem quân đánh chiếm thành Thái Nguyên. Trong năm 1884, thực dân Pháp tiến hành đánh chiếm thành Thái Nguyên 3 lần và đều chiếm được thành. Tuy nhiên, do chưa đủ lực lượng nên chúng chưa đồn trú. Đến ngày 10/5/1884, thực dân Pháp mới đóng quân đồn trú tại thành Thái Nguyên và tiến hành mở rộng phạm vi chiếm đóng, đặt ách thống trị trên toàn tỉnh.
Đi đến đâu, thực dân Pháp và tay sai cũng đàn áp, bóc lột nhân dân thậm tệ. Căm phẫn trước những hành động của thực dân Pháp và tay sai, nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp đã nổ ra. Năm 1884, cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo bắt đầu. Cuộc khởi nghĩa ngày càng lan rộng ra cả vùng Bắc Giang, Thái Nguyên, thu hút nhân dân ở nhiều nơi đến đầu quân và được sự giúp đỡ, che chở của quần chúng nhân dân. Thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, đánh thắng nhiều trận lớn. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tăng cường binh lính, truy lùng gắt gao, mở các cuộc vây quét, tiêu diệt nghĩa quân. Đến năm 1913, cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Năm 1917, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã diễn ra dưới sự lãnh đạo của Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) và Lương Ngọc Quyến. Cuộc khởi nghĩa chiêu mộ được nhiều lính vệ binh, tù binh, dân phu và nhân dân tham gia. Nhân dân Quang Sơn cũng đã nhiệt tình ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Sau hơn 4 tháng diễn ra, cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp đàn áp. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian hơn 4 tháng (30/8/1917 - 11/1/1918) nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã có tiếng vang lớn, cổ vũ nhân dân các dân tộc toàn tỉnh phát huy truyền thống yêu nước trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Dưới sự cai trị của thực dân, phong kiến, nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn cũng như nhân dân cả nước phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột. Đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực.
Đặt chân đến Thái Nguyên, thực dân Pháp thực hiện âm mưu “Dùng người Việt trị người Việt”. Chúng mua chuộc, lôi kéo một số người thuộc tầng lớp trên vào Hội đồng kỳ hào và bộ máy chức dịch nhằm biến họ thành công cụ tay sai cho mưu đồ cai trị của chúng. Ở cấp tổng, đứng đầu là chánh tổng, tiếp đó là phó chánh tổng và tổng đoàn. Ở cấp làng (xã), có lý trưởng, phó lý, xã đoàn, chưởng bạ và hộ lại. Ngoài ra, ở mỗi thôn có một người phó lý hàng thôn và trưởng thôn để trông coi các việc trong thôn. Việc thuế, đinh, điền, lý dịch giao việc ấy cho trưởng thôn hay phó lý thôn phải thúc đốc thôn mình cho đúng kỳ hạn'. Hỗ trợ cho ban lý dịch là trương tuần và một số tuần đinh. Lý trưởng là người thi hành pháp luật, xử lý hành chính theo chức năng chính quyền ở địa phương. Thời điểm trước năm 1945, ở đây có Chánh tổng Trầm (Triệu Văn Trầm), Chánh Dúi (Triệu Văn Dúi), Phó tổng Giới (Triệu Văn Giới), Chưởng bạ Triệu Văn Chù, Lý trưởng Âu Văn Dòng (Phê Dòng), Phó lý Âu Văn Lầm
Sống dưới chế độ thực dân, phong kiến, nhân dân ta đã bị bóc lột nặng nề về kinh tế thông qua các thứ thuế như thuế thân, thuế điền, thuế chợ... Trong đó, nặng nhất là thuế thân (hay còn gọi là thuế định) đánh vào dân định từ 18 đến 60 tuổi. Mỗi suất sưu của bạch đinh mang một thẻ màu xanh; còn người hữu sản (nộp sưu cao hơn) thì mang thẻ đỏ. Nhìn chung, các tầng lớp quan lại, chánh tổng, lý trưởng câu kết chặt chẽ với nhau, lại được thực dân Pháp dung dưỡng, lợi dụng làm chỗ dựa nên ngoài việc thu sưu cao thuế nặng, chúng còn tăng thêm nhiều khoản phụ thu, thậm chí thu tăng thuế. Việc thu thuế được thu bằng tiền cố định không kể thu hoạch nhiều hay ít, giá thóc cao hay thấp. Đó là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh quá trình bần cùng hóa tầng lớp trung nông, làm các địa chủ nhỏ phá sản. Không có ruộng đất, người dân phải tha phương cầu thực, đi phu, đi lính cho Pháp.
Ngoài các loại thuế, nhân dân còn phải nộp tô cho địa chủ. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, năng suất lúa thấp, lại phải nộp tô, thuế nên tình trạng thiếu đói diễn ra phổ biến, nhất là vào các đợt giáp hạt, nhiều gia đình trong xã phải lên rừng đào củ mài, lấy măng để ăn qua ngày.
Bên cạnh việc bóc lột về kinh tế, đàn áp về chính trị, thực dân Pháp còn triệt để thi hành chính sách “ngu dân”, kìm hãm việc học hành và thực hiện nô dịch về văn hóa. Tổng Vân Lăng cũng như hầu hết các xã, tổng khác trong châu, nền giáo dục không được tầng lớp thống trị coi trọng. Một số gia đình kinh tế khá giả mời thầy về dạy con em tại nhà. Về sau, có một số người làm nghề dạy học mở lớp dạy tư, mỗi lớp có khoảng 5 - 7 học sinh. Tuy nhiên, số người được đi học chỉ chiếm một số ít trong xã hội, đa số con em nông dân không được đi học. Số người mù chữ ở Xuân Quang, Lịch Sơn vẫn chiếm hơn 90% dân số.
Ngoài ra, hiện tượng mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội như đánh bạc, nghiện hút... cũng được bọn thực dân, phong kiến dung túng, hòng nhấn chìm nhân dân trong vòng u mê, tăm tối. Người dân được khuyến khích uống rượu nhưng bị cấm nấu rượu để tiêu thụ rượu của tư bản
Pháp. Nhà nào bị phát hiện nấu rượu sẽ bị phạt nặng. Các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân hầu như không được thực hiện. Có bệnh, người dân thường dùng thuốc nam theo kinh nghiệm được lưu truyền trong dân gian. Khi bị bệnh nặng mới tìm đến nhà các thầy lang bốc thuốc. Tình trạng “hữu sinh vô dưỡng” trở nên phổ biến. Hằng năm, các bệnh dịch như sốt rét, tiêu chảy... thường xuyên xảy ra.
Nhìn chung, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến gặp rất nhiều khổ cực, bị áp bức, bóc lột thậm tệ. Những người dân yêu nước nung nấu lòng căm thù sâu sắc đối với chính quyền thực dân và bè lũ tay sai, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng từng bước hình thành và phát triển. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lãnh đạo, bế tắc về đường lối trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta. Với đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta. Đầu năm 1937, tổ chức Đảng đầu tiên của Võ Nhai được thành lập tại làng Cao (nay là xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Võ Nhai. Từ đây, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, những cơ sở cách mạng đã xuất hiện ở Phú Thượng, Tràng Xá rồi lan sang khu vực Lâu Thượng, La Hiên. Hội Truyền bá Quốc ngữ, nhóm đọc báo chí tiến bộ diễn ra sôi nổi ở Đình Cả, Tràng Xá, La Hiên, thu hút nhiều thanh niên đủ các dân tộc trong huyện tham gia.
Sang đầu năm 1938, để hoàn thành gấp con đường chiến lược thuộc địa số 1B qua Võ Nhai lên Lạng Sơn và mở đường quân sự Chợ Chu (Định Hóa) sang Thành Cóc (Tuyên Quang), thực dân Pháp bắt nhân dân các dân tộc Võ Nhai cùng huyện Định Hóa bỏ công việc đồng áng lên công trường. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, dựa vào thế lực bọn cầm quyền, chủ thầu thực hiện chế độ cưỡng bức, đánh đập dân phu tàn nhẫn, trả thù lao ít ỏi... Chi bộ Đảng nhận thấy đây là cơ hội tốt để phát động dân phu nổi dậy đấu tranh với các hình thức như: vận động các dân phu nhất loạt ký tên đòi cấm đánh đập phu, trừng trị bọn ăn chặn thù lao của phu, chống bắt phu... Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của dân phu, nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn đã cùng với nhân dân trong tổng Vân Lăng mang cuốc, xẻng kéo về La Hiên gây áp lực. Trước khí thế và quy mô đấu tranh của nhân dân, thực dân Pháp phải nhượng bộ và tạm hoãn lại việc làm đường. Đến cuối năm 1938, thực dân Pháp lại ráo riết bắt phu, nhằm hoàn thành tuyến đường dở dang từ đầu năm 1938. Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, các lực lượng vũ trang Bắc Sơn đã phân tán rút lui về khu vực Võ Nhai (Thái Nguyên). Trước tình hình đó, tại Hội nghị lần thứ 7, Trung ương Đảng quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, tiến tới thành lập khu căn cứ du kích, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Từ đó, nhiều cán bộ được tăng cường lên xây dựng khu căn cứ. Cuối năm 1940, đầu năm 1941, khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai được thành lập đã khẳng định sự lớn mạnh của Đảng bộ và phong trào cách mạng ở địa phương, xứng đáng với niềm tin cậy của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng thời sự ra đời của khu căn cứ tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng của huyện Võ Nhai ngày càng phát triển.
Tiếp đó, ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá), Trung đội Cứu quốc quân 2 được thành lập. Nhiệm vụ của Trung đội Cứu quốc quân 2 là đấu tranh chống địch khủng bố, diệt ác, trừ gian, củng cố và phát triển các đội tự vệ làm nguồn bổ sung cho Cứu quốc quân và củng cố, mở rộng địa bàn hoạt động ra các nơi. Trung đội Cứu quốc quân 2 ra đời là mốc son đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong huyện Võ Nhai.
Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng tại Võ Sơn - Võ Nhai”. Tại đây, thực dân Pháp đã lập một hệ thống đồn bốt chạy dài từ La Hiên, Đình Cả lên đến Mỏ Nhài (Bắc Sơn), nhằm bắt cán bộ của ta và phá tan căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Trong thời gian này, thực dân Pháp tiến hành càn quét hết sức ác liệt. Đi đến đâu chúng cũng đốt phá nhà cửa, bắn giết gia súc, chặt phá cây ăn quả, dồn hết dân của các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá vào trại tập trung. Trước tình hình đó, nhân dân Xuân Quang và Lịch Sơn đã kết hợp với nhân dân trong tổng Vân Lăng cùng các tổng khác trong huyện và tổ chức Cứu quốc quân tiến hành chống địch khủng bố một cách chủ động, bám sát cơ sở, hết lòng bảo vệ các cán bộ cách mạng hoạt động tại địa bàn. Tiêu biểu, ở xã có gia đình ông Lưu Văn Tý (nuôi giấu đồng chí Nguyễn Văn Nhị) và gia đình ông Âu Văn Đức (nuôi giấu đồng chí Nguyễn Văn Quyền) đảm bảo an toàn trước sự lùng sục, càn quét khủng bố của địch.
Từ tháng 9/1941 trở đi, thực dân Pháp tăng cường khủng bố. Nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn cùng nhân dân trong tổng, huyện hết lòng giúp đỡ Cứu quốc quân, bí mật cung cấp lương thực, thuốc men, quần áo cho Cứu quốc quân. Thực hiện sự chỉ đạo của Cứu quốc quân, nhân dân các dân tộc Xuân Quang, Lịch Sơn tích cực tham gia chống địch bằng nhiều hình thức như nổi trống mõ, tham gia đưa đơn kiện quân lính cướp bóc tài sản... Thời gian này, cơ sở cách mạng phát triển mạnh ở các xã Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng Xá... Phong trào Việt Minh và xây dựng lực lượng tự vệ được mở rộng khắp trên toàn huyện. Ban Chấp hành Việt Minh và lực lượng tự vệ ở nhiều xã đã ra đời. Thực hiện chủ trương của Đảng lượng, giữ vững cơ sở và mở rộng ảnh hưởng ra ngoài vòng vây của địch, nhiều đồng chí được phân công nhiệm vụ phân tán xuống các cơ sở, một mặt để tránh sự lùng bắt của địch, mặt khác hoạt động bí mật, tìm cách tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng cách mạng cho quần chúng. Với tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc, đồng thời từ nhận thức về các phong trào đấu tranh cách mạng nên khi có người về tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, một số thanh niên của Xuân Quang, Lịch Sơn đã hăng hái tham gia như các anh: Lưu Văn Tý, Lưu Văn Năm, Âu Văn Đức, Lương Văn Sao... Tuy nhiên, do thực dân Pháp thường xuyên tổ chức các trận càn quét, lại thêm sự kìm kẹp chặt chẽ của tầng lớp chức dịch địa phương nên hoạt động cách mạng ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 12/11/1944, Ban Lãnh đạo phân khu A1 triệu tập đối phó với hành động khủng bố của địch. Thực hiện chủ cuộc họp tại chùa Đoong (Phú Thượng), ra chủ trương trương của Ban Lãnh đạo phân khu A, nhân dân xã phá các cầu gỗ trên địa bàn để chặn viện binh của Pháp từ Thái Nguyên lên; tiêu thổ làng mạc, đưa dân lên núi, thực hiện “vườn không nhà trống”. Lực lượng thanh niên xã được phân công đưa nhân dân lên núi, làm vườn không nhà trống, tiếp tế lương thực.
Từ cuối tháng 11 đến tháng 12/1944 là thời gian khó khăn đối với nhân dân trong tổng Vân Lăng, khi chỉ trong vòng gần 10 ngày, quân địch từ chỗ chỉ có hơn 80 tên đóng ở La Hiên, Đình Cả, Tràng Xá, Quang Thái đã tăng lên hàng ngàn tên đủ các loại lính lê dương, khố xanh, khố đỏ, được cơ giới hóa và máy bay yểm trợ... Địa bàn Xuân Quang, Lịch Sơn, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Liên Minh... bị thực dân Pháp thường xuyên càn quét. Trước tình hình địch khủng bố ở Võ Nhai, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã cử đồng chí Ngô Thế Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quân - Chính Bắc Kỳ bí mật lên Võ Nhai truyền đạt chỉ thị của Trung ương về việc ngừng tiếng súng đấu tranh vũ trang, chuyển cuộc đấu tranh vũ trang thành cuộc đấu tranh chính trị chống địch khủng bố bằng những hình thức thông thường, đưa nhân dân về làng làm ăn, ổn định đời sống.
Bước sang năm 1945, mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật ngày càng trở nên gay gắt. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Sau đảo chính, lực lượng Pháp đóng quân tại Thái Nguyên hoảng loạn, vội vã chạy về phía Đại Từ, lên Tuyên Quang để sang Trung Quốc. Nhưng đến đèo Khế chúng bị Cứu quốc quân của ta nổ súng chặn đánh khiến một toán liều chết chạy lên Tuyên Quang, một toán khác quay xe chạy về thị xã Thái Nguyên. Trưa 10/3/1945, quân Nhật vượt cầu Đa Phúc tiến vào Thái Nguyên, đầu giờ chiều cùng ngày chúng chiếm được thị xã Thái Nguyên từ tay Pháp. Trưa 11/3/1945, quân Nhật từ thị xã Thái Nguyên lên chiếm Võ Nhai. Sau khi hất cẳng Pháp, phát xít Nhật giữ nguyên bộ máy tay sai cũ của Pháp để giúp chúng bóc lột và thống trị nhân dân. Trước tình hình bị Nhật chiếm đóng, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị đưa đơn vị Cứu quốc quân từ Đồng Vương (Yên Thế, Bắc Giang) về Võ Nhai phối hợp với nhân dân chống Nhật. Đêm 11/3/1945, Ban Chỉ huy Cứu quốc quân và Chi bộ địa phương triệu tập hội nghị tại Phú Thượng để phân tích đánh giá tình hình, cử người về Phú Bình xin chỉ thị của Xứ ủy và Trung ương, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phát động quần chúng đứng lên giành chính quyền. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nhận được Chỉ thị, Ban Lãnh đạo Chiến khu Hoàng Hoa Thảm bàn kế hoạch khởi nghĩa, giao cho Cứu quốc quân đánh chiếm các vị trí đóng quân của địch, làm nòng
cốt cho nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Từ giữa tháng 3/1945 trở đi, Cứu quốc quân phát động nhân dân đánh chiếm kho thóc Đình Cả và tiến đánh La Hiên - huyện lỵ châu Võ Nhai. Trước khí thế áp đảo của nhân dân và lực lượng cách mạng, binh lính địch đóng tại La Hiên không dám chống cự. Rạng sáng 21/3/1945, viên tri châu cùng bọn quan, quân buộc phải đầu hàng, trao vũ khí, đạn dược cùng toàn bộ hồ sơ cho lực lượng cách mạng. Châu lỵ Võ Nhai được giải phóng. Cùng ngày, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại La Hiên, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời châu Võ Nhai ra mắt trước quần chúng. Ngày 24/3/1945, được sự giúp đỡ của đội vũ trang tuyên truyền, đoàn cán bộ Mặt trận Việt Minh và Cứu quốc quân châu Võ Nhai, 2 xã Lịch Sơn, Xuân Quang cũng giành được chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Dương Văn Điều làm Chánh Hội đồng Nhân dân xã Lịch Sơn. Tháng 10/1945, ông Triệu Văn Chù làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Xuân Quang. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước ở Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, khiến quân Nhật rất lo sợ. Chúng tìm mọi cách chống đỡ và liên tiếp mở các cuộc càn quét, tấn công vào các khu căn cứ cách mạng, trong đó có Võ Nhai. Ngày 9/5/1945, phát xít Nhật từ thị xã Thái Nguyên đưa quân lên đánh chiếm lại La Hiên. Ngày 10/5/1945, quân Nhật từ La Hiên được bọn Việt gian dẫn đường đã càn sâu vào các vùng xung quanh như làng Nhâu, làng Vang (thuộc xã Liên Minh ngày nay). Đi đến đâu chúng cũng cướp phá, gây tội ác với nhân dân ta. Giữa tháng 5/1945, một cánh quân Nhật từ La Hiên càn quét vào khu vực Lịch Sơn, Sa Lung đã bị Cứu quốc quân và tự vệ địa phương chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải bỏ dở cuộc càn, quay trở lại La Hiên. Sau đó chúng tiếp tục đánh chiếm Đình Cả nhưng cũng bị quân ta đánh trả quyết liệt buộc phải rút về cố thủ tại La Hiên.
Giữa tháng 8/1945, nhận được tin Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, Đảng ta đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập đã kịp thời lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hưởng ứng Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, lực lượng vũ trang cách mạng các châu, huyện cùng các đơn vị Quân Giải phóng trên địa bàn tỉnh nhanh chóng hành quân về cùng quân và dân toàn tỉnh bao vây, đánh và bức hàng quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Ngày 20/8/1945, thị xã Thái Nguyên giành được chính quyền, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập và ra mắt. Đến cuối tháng 8/1945, toán quân Nhật cố thủ tại La Hiên trước đó cũng rút khỏi Võ Nhai. Huyện Võ Nhai hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược. Cách mạng tháng Tám thành công đã chấm dứt cuộc sống dưới ách áp bức, bóc lột của phát xít Nhật, hơn 60 năm của thực dân Pháp và hàng nghìn năm của chế độ phong kiến của nhân dân ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ quê hương, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhân dân cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chế độ mới. Tuy nhiên, sự nghiệp đấu tranh giữ vững quyền độc lập, tự do, xây dựng chế độ mới của nhân dân Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi. Cuộc đấu tranh gay gắt và phức tạp giữa các lực lượng hòa bình, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội với các nước đế quốc và lực lượng phản cách mạng đã tác động lớn đến cách mạng Việt Nam. Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị chủ nghĩa đế quốc bao vây, chống phá quyết liệt. Dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Dân quốc đã kéo vào Việt Nam. Ở miền Bắc, sau khi tràn qua một số tỉnh biên giới phía Bắc, khoảng 50.000 quân Tưởng trong Quân đoàn 93 thuộc Phương diện quân thứ nhất đã kéo vào địa phận tỉnh Thái Nguyên. Đi đến đâu, quân Tưởng Giới Thạch cũng cướp bóc, tàn phá, chiếm nhà, quán chợ, bắt tiêu tiền “Quan kim” đang mất giá... Ngoài ra, chúng còn đòi nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm, phương tiện đi lại cho chúng. Tình hình đó đã tác động rất lớn đến kinh tế, an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội trong toàn tỉnh Thái Nguyên, khiến cho đời sống nhân dân toàn tỉnh nói chung, nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn nói riêng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với khí thế của những người chiến thắng, nhân dân địa phương đã không nề hà nguy hiếm, một lòng tin tưởng vào sự dẫn dắt của Đảng, ‘kiên quyết đấu tranh với thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ tại quê hương. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xóm Đồng Thu của xã Hóa Trung, tổng Hóa Thượng sáp nhập vào xã Xuân Quang. Nhìn chung tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân lúc này gặp nhiều khó khăn.
Về kinh tế: Phần lớn ruộng đất tốt vẫn nằm trong tay địa chủ. Tình hình này cùng với hậu quả của những năm thực dân, phát xít thực hiện chính sách vơ vét bóc lột làm cho đời sống nhân dân Xuân Quang và Lịch Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều gia đình rơi vào cảnh lao đao, khổ cực.
Trong khi đó, chính quyền cách mạng mới ra đời, đội ngũ cán bộ lên nắm quyền lãnh đạo chưa có kinh nghiệm về công tác quản lý, điều hành, tổ chức Đảng ở địa phương chưa được thành lập, lực lượng vũ trang cách mạng còn nhỏ bé, trang bị vũ khí thô sơ và thiếu thốn. Hơn nữa, thời gian này, dưới sự hậu thuẫn của quân đội Tưởng và lực lượng chống phá cách mạng, bọn Việt gian vẫn ngấm ngầm hoạt động, chờ thời cơ ngóc đầu dậy chống phá chính quyền cách mạng. Về văn hóa - giáo dục, hậu quả của chính sách cai trị của thực dân, phong kiến đã làm cho hơn 90% dân số Xuân Quang và Lịch Sơn mù chữ. Thêm vào đó, hiện tượng mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội như: đánh bạc, nghiện hút... vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng xấu đến đời
sống nhân dân. Tình hình trên đòi hỏi Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các xã thuộc tổng Vân Lăng phải có những biện pháp giải quyết nhanh chóng nhằm củng cố và giữ vững chính quyền vừa mới thành lập, tuyên truyền, vận động người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của chính quyền và Mặt trận Việt Minh, cùng cán bộ ra sức khắc phục khó khăn, ổn định đời sống. Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân thực hiện sáu nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay lúc này, trong đó nhấn mạnh ba nhiệm vụ chính là: “diệt “giặc đói”, diệt “giặc đốt” và diệt giặc ngoại xâm”. Trong phong trào “diệt giặc đói”, chính quyền các làng trong tổng một mặt vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; mặt khác vận động nhân dân phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Sẻ cơm nhường áo” tương trợ cứu đói. Song song với các biện pháp chống đói trước mắt, Đảng và Chính phủ còn phát động đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, coi đó là giải pháp cơ bản. Từng nhà, từng người đều tận dụng đất vườn để gieo trồng các loại cây lương thực như: ngô, khoai, sắn... Nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn tiến hành khai hoang phục hóa ruộng
đồng, giúp đỡ nhau về vốn và giống sản xuất, nhất l từ khi chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ các loại thuế vô lý như: thuế thân, thuế chợ... Nhờ vậy, chỉ sau vài tháng triển khai, tính đến đầu năm 1946, nhân dân cơ bản đã có lương thực để ăn, nạn đói dần được đẩy lùi. Cùng với nhiệm vụ diệt “giặc đói”, hưởng ứng lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân trong các xã, tổng tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Chính quyền lâm thời và các đoàn thể tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đi học. Khắp các xóm làng, các khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”, “Chống giặc dốt cũng là chống giặc ngoại xâm” được tuyên truyền ở khắp nơi. Ban Bình dân học vụ được thành lập do ông Lưu Văn Năm làm Trưởng ban Nhiều lớp học được mở tại các đình ở Xuân Quang và Lịch Sơn hoặc học nhờ ở một số nhà dân. Phong trào bình dân học vụ, thanh toán nạn mù chữ đã thực sự trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đến với mọi người.
Song song với các phong trào “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt", nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn tiến hành xây dựng “Quỹ độc lập” (theo Sắc lệnh số 4/SL ngày 49/1945) và “Tuần lễ vàng” (diễn ra từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945) do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Nhân dân hai xã không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo tự nguyện ủng hộ nhiều của cải, vật chất cho cách mạng như: thóc gạo, trâu, bò, các đồ trang sức như vòng tay bạc, khuyên tai bạc, mâm đồng, nồi đồng... Những món đồ quyên góp thể hiện được tấm lòng của nhân dân tin yêu chế độ mới, ủng hộ Đảng và chính quyền cách mạng, góp phần nhỏ bé vào việc giải quyết khó khăn của nền tài chính đất nước trong buổi đầu mới giành được chính quyền.
Tháng 9/1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh họp tại xóm Trường Xô, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, thành lập các tổ chức cơ sở Đảng ở những nơi xét thấy đủ điều kiện... Thực hiện nghị quyết Hội nghị, cuối năm 1945, các đồng chí Nguyễn Bá Cương (Tỉnh ủy viên phụ trách huyện Võ Nhai) và đồng chí Bùi Chí Tâm (Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Võ Nhai) đã trực tiếp xuống xã La Hiên vừa lãnh đạo phong trào, vừa làm các công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Tại xã La Hiên, các đồng chí Nguyễn Bá Cương và Bùi Chí Tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, lựa chọn các quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng. Do không nhận được lệnh hoãn bầu cử của Chính phủ nên ngày 23/12/1945, đông đảo cử tri ở 2 xã Xuân Quang, Lịch Sơn nô nức đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân nơi đây không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo, già trẻ, gái trai từ đủ 18 tuổi trở lên được cầm lá phiếu trên tay, lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Cuộc bầu cử đã thu hút 95% số cử tri đi bầu.
Việc thành lập chính quyền cách mạng đã củng cố thêm niềm tin của cán bộ và nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn với sự tổ chức, lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Nhân dân địa phương đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các phong trào diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, các tổ chức, đoàn thể quần chúng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Những thắng lợi bước đầu đó chính là nền tảng vững chắc, là động lực để nhân dân Xuân Quang, Lịch Sơn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ . Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Quang Sơn vừa chiến đấu chống chiến chiến tranh phá hoại và lao động sản xuất xây dựng hậu phương vững mạnh. Với trọng trách là một bộ phận thuộc an toàn khu, Quang Sơn là địa bàn sơ tán, đóng quân của nhiều đơn vị, với địa hình rừng núi bao la trùng điệp, liên khu Việt Bắc đã dựng trường Phung Chí Kiên và Hội trường Hoàng Văn Thụ nơi kín đáo để tổ chức các lớp chính huấn, học tập nghị quyết của Đảng, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quân đội.