Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo qua chương trình "Bình dân học AI"

2025-05-16 15:03:00.0

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, chương trình "Bình dân học AI" tại tỉnh Thái Nguyên đã mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) - một lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Với mục tiêu phổ cập kỹ năng AI, chương trình miễn phí này đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tham gia. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng uy tín chương trình để giăng bẫy, khiến người học đối mặt với nguy cơ mất tiền và niềm tin. Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, vừa bảo vệ người dân, vừa đảm bảo chương trình tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, chương trình "Bình dân học AI" tại tỉnh Thái Nguyên đã mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) - một lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Với mục tiêu phổ cập kỹ năng AI, chương trình miễn phí này đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tham gia. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng uy tín chương trình để giăng bẫy, khiến người học đối mặt với nguy cơ mất tiền và niềm tin. Trước thực trạng này, chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, vừa bảo vệ người dân, vừa đảm bảo chương trình tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi.

(Ảnh: Công an tỉnh Thái Nguyên)

Chương trình “Bình dân học AI” được thiết kế với mục tiêu rõ ràng: giúp người dân, từ cán bộ, công chức, viên chức đến lao động phổ thông, nắm bắt được những kỹ năng cơ bản về trí tuệ nhân tạo – lĩnh vực được xem là động lực then chốt của nền kinh tế số. Chương trình được triển khai hoàn toàn miễn phí, cung cấp các khóa học kéo dài 12 tháng thông qua các nền tảng trực tuyến như website https://luyenai.vn và nhóm học tập AI trên mạng xã hội Facebook. Nội dung học tập được xây dựng bài bản, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng. Người tham gia không chỉ được tiếp cận kiến thức về AI mà còn được hướng dẫn cách áp dụng công nghệ này vào công việc và cuộc sống hàng ngày.

Tại Thái Nguyên, chương trình không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn trở thành một phong trào học tập sôi nổi, lan tỏa từ thành thị đến nông thôn. Huyện Đồng Hỷ là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai quyết liệt phong trào này. Ngay từ khi chương trình được phát động, Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành công văn chỉ đạo rõ ràng, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn được yêu cầu đăng ký tài khoản học tập. UBND huyện Đồng Hỷ và UBND các xã, thị trấn đã tổ chức 13 lớp tập huấn nghiệp vụ Chương trình “Bình dân học AI” cho gần 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện, xã; các ban, ngành, đoàn thể xóm, tổ dân phố, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn để lan toả đến quần chúng, nhân dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện tham gia Chương trình “Bình dân học AI”. Thành lập các nhóm luyện AI, phân công Tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp hướng dẫn người dân, thực hiện cấp mã học bổng luyện AI; quản lý, kết nối và hỗ trợ học viên luyện AI trong suốt quá trình luyện tập. Tính đến ngày 14/5/2025, số người tham gia tại 15 nhóm Facebook được tạo lập từ cán bộ nòng cốt là trên 10.000 người. Trong đó đã có khoảng 2.800 thành viên tham gia nhóm facebook “LuyenAI DHY”. Số người tham gia hệ thống luyenai.vn gần 4.000 người. 100% người tham gia đều đã đạt từ Đẳng 1 trở lên...

Tại Đồng Hỷ, số người tham gia tại 15 nhóm Facebook được tạo lập từ cán bộ nòng cốt là trên 10.000 người

Thành công của chương trình “Bình dân học AI” không chỉ nằm ở con số người tham gia mà còn ở ý nghĩa sâu sắc mà nó mang lại. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu cấp bách, việc trang bị kỹ năng AI cho người dân không chỉ giúp nâng cao chất lượng lao động mà còn mở ra cơ hội tham gia vào nền kinh tế số, từ đó cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý muốn học hỏi và sự thiếu hiểu biết về công nghệ của một bộ phận người dân, các đối tượng xấu đã giăng bẫy tinh vi. Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, những kẻ lừa đảo thường sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin để tiếp cận học viên. Chúng mạo danh chương trình “Bình dân học AI”, gửi thông báo giả mạo yêu cầu người dân nộp phí để “nâng cấp tài khoản” hoặc tham gia các dịch vụ không có thật như “luyện AI lên đẳng” hay “khóa học AI chuyên sâu”. Những dịch vụ này hoàn toàn không tồn tại trong chương trình chính thức, và mục tiêu duy nhất của các đối tượng là chiếm đoạt tiền từ những người nhẹ dạ, cả tin. Các đối tượng sử dụng ngôn từ chuyên nghiệp, thiết kế giao diện giả mạo giống hệt các nền tảng chính thức, thậm chí cung cấp các đường dẫn hoặc mã QR dẫn đến các trang web lừa đảo. Một số trường hợp được ghi nhận cho thấy người dân đã chuyển khoản hàng triệu đồng để “mua khóa học” hoặc “nâng cấp tài khoản”, nhưng sau đó không nhận được bất kỳ dịch vụ nào, còn thông tin cá nhân thì bị đánh cắp. Đặc biệt, những người cao tuổi, người mới làm quen với công nghệ hoặc người dân ở vùng nông thôn – nơi tiếp cận thông tin còn hạn chế – là đối tượng dễ bị lợi dụng nhất.

Trước thực trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã phát đi thông báo khẳng định: chương trình “Bình dân học AI” là hoàn toàn miễn phí, và mọi yêu cầu nộp phí đều là lừa đảo. Người dân được khuyến cáo cần cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, và chỉ sử dụng các nền tảng chính thức như website https://luyenai.vn hoặc các nhóm học tập được xác nhận bởi cơ quan chức năng. Đồng thời, các cơ quan chức năng kêu gọi người dân báo cáo ngay các dấu hiệu bất thường qua các đường dây nóng của Sở Khoa học và Công nghệ (0915.373.585) và Công an tỉnh (0968.433.699).

Bên cạnh việc xử lý các hành vi lừa đảo, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Tại huyện Đồng Hỷ, các cơ quan, đơn vị được yêu cầu chủ động cung cấp thông tin đến cán bộ, công chức và người dân, tổ chức các buổi hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng an toàn các nền tảng học tập trực tuyến. Các kênh truyền thông chính thống như Đài phát thanh, Trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn, các trang mạng xã hội được huy động để lan tỏa thông tin về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình cũng như cách nhận diện các chiêu trò lừa đảo. Ngoài ra, các hoạt động giám sát và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo cũng được tăng cường. Người dân cũng được khuyến cáo nâng cao ý thức tự bảo vệ, kiểm tra kỹ nguồn gốc của các thông báo, không chia sẻ thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng với các đối tượng không rõ danh tính. Chỉ khi mỗi cá nhân ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin và trang bị đủ kiến thức, những chiêu trò lừa đảo mới có thể bị đẩy lùi./.

Lê Nguyệt (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2154694