Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Gương sáng trong nghề của 2 cô giáo trẻ

2020-11-19 16:46:00.0

Trường Mầm non Văn Lăng nằm trên địa bàn xã khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ, trong những năm qua tập thể cán bộ giáo viên trường luôn cố gắng về mọi mặt, được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua. Nhiều năm được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề nghị UBND huyên tặng giấy khen. Nhắc đến ngôi trường đó, mỗi giáo viên, học sinh nơi đây đều rất tự hào khi trường đã có 2 cô giáo được nhận Bằng khen của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.

Cô giáo Chu Thị Dung đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cô giáo Chu Thị Dung sinh ra và lớn lên tại xã Văn Lăng, ngay từ nhỏ cô Dung đã luôn ấp ủ ước mơ làm cô giáo. Tốt nghiệp Phổ thông Trung học cô thi vào trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên khoa Mầm non, năm 2008 sau khi tốt nghiệp ra trường cô đã đi dạy hợp đồng rất nhiều trường khác nhau tại tỉnh Bắc Kạn. Mãi đến năm 2012 ước mơ đó mới trở thành hiện thực khi cô được phân công về giảng dạy tại trường Mầm non Văn Lăng và phân lên dạy tại Phân trường Liên Phương.

Là một cô giáo trẻ cô luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong giảng dạy, tích cực học hỏi trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Với đặc thù là trường vùng cao, học sinh nơi cô đang dạy chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông và Dao, khả năng nghe và nói tiếng Việt rất hạn chế. Cô Dung chia sẻ: Nhớ ngày đầu ra lớp các cháu nhìn cô giáo với ánh mắt sợ sệt, lo lắng thậm chí còn khóc, không thực hiện các hoạt động cùng cô và các bạn vì không hiểu được lời cô giáo nói, qua thời gian gần gũi quan tâm các cháu đã mạnh dạn hơn, thích đến lớp và tích cực hơn trong hoạt động học tập và vui chơi cùng cô và các bạn, dần dần biết nghe và hiểu cô giáo nói.

Với nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến lúc nào cũng hiện trên khuôn mặt cô giáo Dung đã có được cảm tình và sự tin tưởng của các bậc phụ huynh, yên tâm gửi gắm con em mình. Trên cương vị là một cô giáo, cô đã dành trọn tình yêu thương cho những tâm hồn ngây thơ và trong sáng. Với cô, tất cả đều là sự cảm thông và yêu thương chân thành. Bản thân là một giáo viên trẻ cô luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường, có nhiều tiết dạy hay và sáng tạo. luôn hết mình, giúp đỡ, cảm thông và chia sẻ khó khăn trong công việc cũng như đời sống cá nhân, luôn quan tâm đến hoàn cảnh và nguyện vọng của các em học sinh cũng như đồng nghiệp tại trường. Sau 8 năm công tác đến nay cô đã có thể nghe và nói được tiếng Mông rất tốt, đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp cô trong quá trình giảng dạy. 8 năm liền cô đạt Lao động tiên tiến, 1 Bằng khen của Uỷ ban Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc. Năm 2020, cô đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh tại các vùng biên giới và vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đây không chỉ là niềm vui niềm vinh dự tự hào của riêng cá nhân cô, mà chính là niềm vui niềm vinh dự ngành và địa phương nơi cô công tác. Cô xứng đáng để những giáo viên trẻ học hỏi và noi theo.

Không có được nhiều may mắn như cô Dung cô giáo Đỗ Thị Tình, giáo viên dạy phần trường Bản Tèn, đến nay cô vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng với đồng lương ít ỏi. Tiếp chúng tôi cô giáo Đỗ Thị Tình cho biết: Sinh ra và lớn lên tại một xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Văn Lăng nên từ thủa nhỏ cô Tình có rất nhiều hoài bão. Cô đến với nghề giáo như một cái duyên, học xong THPT năm 2003 cô lập gia đình với thầy giáo Hoàng Thế Hùng, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng, đây cũng chính là động lực để cô thi vào trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên, tốt nghiệp ra trường cô xin vào làm giáo viên hợp đồng tại Trường Mầm non Văn Lăng, và được Ban giám hiệu phân công giảng dạy tại Phân trường Bản Tèn. Đây là một trong những điểm trường khó khăn với 100% là con em dân tộc Mông, nhà ở trên núi cao hẻo lánh ít được tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của trẻ vì còn bận làm nương rẫy. Với lòng yêu trẻ cô đã vận dụng nhiều phương pháp hay, cách làm mới như: Phối hợp với trưởng xóm, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… để vận động các em tới lớp. Cô Tình chia sẻ: Nhiều lúc mình cảm thấy bất lực, vì nói tiếng mà các em không hiểu gì, chỉ ngồi ngây người ra… Nhưng với sự lạc quan của tuổi trẻ qua thời gian được cô gần gũi quan tâm các cháu đã mạnh dạn hơn, thích đến lớp và tích cực hơn trong hoạt động học tập và vui chơi cùng cô và các bạn. Giờ đây, cô không chỉ dạy các em học sinh bằng phương pháp song ngữ, thậm chí cô có thể hát được tiếng Mông rất hay được học sinh và đồng nghiệp yêu mến và được các phụ huynh tin tưởng. Năm 2020, cô Tình vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về có thành tích trong thực hiện Đề án “ Tăng cương tiếng Việt cho trẻ mâm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoan 2016 - 2020 (ảnh).

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn những người công tác trong ngành giáo dục đào tạo rằng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người.

Thực hiện lời dạy của Người, cô Dung và cô Tình cũng những người công tác trong ngành Giáo dục Đào tạo huyện Đồng Hỷ vẫn đang tiếp tục miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên" để xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu, văn minh./. 

Quang Hải (Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Truyền Thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2141819