Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Sức sống mới của một xã anh hùng

2020-11-28 00:24:00.0

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nhân dân các dân tộc xã Cây Thị anh hùng đã phát huy truyền thống yêu nước, kiên trung, bất khuất; nuôi giấu cán bộ; nhiều người con ưu tú lên đường nhập ngũ và lập nhiều chiến công xuất sắc. Phát huy truyền thống của xã An toàn khu, đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để xây dựng nên một diện mạo mới, nông thôn mới như ngày hôm nay.      

Toàn cảnh khu vực trung tâm xã Cây Thị

Theo chân đồng chí Phạm Thanh Sao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cây Thị, chúng tôi tới thăm ông Bàn Sinh Phúc ở xóm Cây Thị. Hơn 10 năm là Bí thư Chi ủy, Đảng ủy xã Cây Thị từ những năm 80 thế kỷ trước, ông Phúc vẫn nhớ như in sự gian khó, vất vả của người cán bộ miền núi; đời sống nhân dân bữa đói, bữa no. Điện, đường, trường, trạm... thiếu thốn trăm bề. Thời điểm đó, lãnh đạo như ông Phúc cũng chẳng dám nghĩ đến điện khí hóa nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp. Vậy mà bây giờ điện lưới đã đến những nơi hẻo lánh nhất, người dân cày bừa, gặt lúa bằng máy, đường bê tông có ở khắp mọi nơi…

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Phạm Thanh Sao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cây Thị cho biết: "Với quyết tâm cao nhất và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Cây Thị đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2019, trước 1 năm so với kế hoạch. Đây là kết quả rất phấn khởi đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương".

Cơ sở hạ tầng của xã Cây Thị được quan tâm đầu tư đồng bộ

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Cây Thị xác định yếu tố tiên quyết là người dân làm chủ thể thực hiện và thụ hưởng thành quả. Bằng nhiều nguồn lực, đến nay cơ sở hạ tầng của xã Cây Thị đã có nhiều thay đổi rõ rệt; nổi bật nhất là 100% người dân sử dụng điện lưới, 3/3 trường học và trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia, hơn 80% hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn, công trình thủy lợi, thông tin và truyền thông...  cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và đạt tiêu chí nông thôn mới.

Xác định đường giao thông là huyết mạch quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Cây Thị đã phát huy dân chủ, công khai đến người dân. Khi được tường tận, thấu đáo, mọi người dân đều đồng lòng hưởng ứng. Nhờ vậy 100% đường trục chính, trục xóm với gần 50km đã được nhựa hóa và cứng hóa. Ông Triệu Văn Tài, một người dân tiên phong trong hiến đất làm đường, trường học của xóm Khe Cạn tâm sự: "Nghĩ đến tương lai của lớp con cháu, gia đình tôi vui vẻ hiến đất không vì lợi ích cá nhân mà vì tập thể, mong muốn cộng đồng có đường bê tông và chỗ sinh hoạt thỏa mái".

Còn ông Lê Văn Linh, Trưởng xóm Mỹ Hòa cho biết: "Sau khi được triển khai các nội dung, tiêu chuẩn của chương trình xây dựng nông thôn mới, xóm Mỹ Hòa rất quyết tâm; các ban ngành, đoàn thể, nhân dân đều đồng tình ủng hộ cao và tích cực tham gia các hoạt động".

Các mô hình phát triển kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều

Cây Thị có xuất phát điểm là một xã nghèo, xa trung tâm huyện nên hạn chế trong việc giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, địa phương đã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao kinh tế cho người dân, trong đó chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh như cây chè, cây lâm nghiệp... từ đó thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt gần 33 triệu đồng, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2011. Công tác giảm nghèo được quan tâm và thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra, từ gần 50% năm 2011 xuống còn hơn 11% năm 2019.

Chị Phạm Thị Ngà, xóm Mỹ Hòa là một trong rất nhiều hộ nghèo gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xóa nhà dột nát. Xúc động chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: "Do hoàn cảnh gia đình nên ngôi nhà cũ xập xệ từ lâu mà không có điều kiện sửa sang. Khi được nhà nước hỗ trợ, tôi mạnh dạn vay thêm tiền để xây nhà mới khang trang, sạch sẽ. Bây giờ gia đình tôi đã yên tâm ổn định cuộc sống và tập trung phát triển kinh tế".

Bên cạnh việc hỗ trợ hộ nghèo, xã Cây Thị còn đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng. Anh Triệu Hữu Kiên, người dân làm kinh tế giỏi của xóm Hoan chia sẻ: "Phát triển kinh tế từ trồng rừng và trồng chè giúp cải thiện cuộc sống gia đình của rất nhiều hộ dân trong xóm chứ không riêng gì gia đình tôi. Nguồn thu nhập ổn định giúp chúng tôi sắm sửa trang thiết bị sinh hoạt, con cái được học hành đầy đủ; ngoài ra còn có thêm thu nhập để tiết kiệm về sau".      

     

Nhân dân xóm Hoan thường xuyên tham gia phát quang đường liên xã

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nội dung toàn diện trên các lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Để đạt được những kết quả thiết thực, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ luôn đặc biệt quan tâm tới các xã 135 như Cây Thị. Đây cũng là địa phương chịu nhiều tác động bởi tình trạng sụt lún, nứt nhà, mất nước do khai thác khoáng sản.

Vượt lên khó khăn và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp trên, cấp ủy, chính quyền xã đã kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các chương trình, dự án vào thực hiện từng tiêu chí, nhất là những tiêu chí khó về hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường... Từ chỗ một bộ phận người dân còn thờ ơ, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, đến nay nhân dân đã đoàn kết, đồng thuận với cấp ủy, chính quyền. Điều đó được minh chứng qua việc huy động sức dân. Trong tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới của xã, nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng, bằng hơn 16%. Tuy con số này không cao so với nhiều địa phương khác trong huyện nhưng đó là con số rất lớn đối với nhân dân xã vùng sâu, vùng xa như Cây Thị.

Đồng chí Phạm Thị Chiến, Chủ tịch UBMTTQ xã Cây Thị chia sẻ: Nhận thức sâu sắc là người đứng đầu một tổ chức chính trị - xã hội, tôi xác định nhiệm vụ của mình là tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy, phối hợp với UBND xã triển khai kế hoạch, nhiệm vụ nông thôn mới đến từng tổ chức thành viên và các khu dân cư. MTTQ đã và đang thể hiện vai trò tích cực thông qua việc người dân đồng tình, ủng hộ, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Dương Minh Thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết thêm: "Địa phương có thuận lợi rất lớn là nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy – HĐND – UBND và các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện đã ưu tiên nguồn lực cho xã. Tôi cho rằng chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Kết quả quan trọng nhất mà xã Cây Thị đạt được chính là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nâng cao thu nhập cho người dân, đời sống của bà con từng bước nâng lên rất rõ rệt".

Nhiều năm qua, hệ thống chính trị của xã Cây Thị không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tình làng nghĩa xóm bền chặt đã góp phần gìn giữ, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Những điều đó đang tạo nên khí thế mới, tâm thế mới, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trường Giang, Quang Hải (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2141824