Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Chủ động phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

2021-04-17 12:49:00.0

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện tại một số địa phương trong huyện. Hiện huyện Đồng Hỷ đang tập trung cao chỉ đạo các xã, thị trấn phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.

Đoàn công tác của tỉnh, huyện kiểm tra thực tế tại xã Hợp Tiến

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Virus này có sức đề kháng cao, có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: sốt cao, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu, hình thành các nốt sần có đường kính từ 2cm đến 5cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân. Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Sau khi nhiều địa phương khác trong tỉnh công bố dịch, ngày 7/4, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ bắt đầu ghi nhận tình trạng gia súc bị bệnh viêm da nổi cục và đến ngày 9/4 thì công bố. Bà Nguyễn Thị Sơn, xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến, một hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh cho biết: Ban đầu các cục bằng ngón tay, ngón chân chỉ có 1, 2 chỗ, tôi nghĩ là do muỗi dĩn đốt. Nhưng sau đó các cục xuất hiện ngày càng nhiều.

Còn tại gia đình chị Mạc Thị Hải, xóm Ao Đậu, xã Khe Mo có 10 con bê, bò thì có tới 6 con xuất hiện các triệu chứng bệnh viêm da nổi cục, cơ quan chức năng đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm, kết quả dương tính. Trao đổi với phóng viên, chị Hải cho biết: Con bê nhỏ nhất đàn bị bệnh đầu tiên, sau đó đến con bò đang mang thai cũng mắc bệnh nên gia đình rất lo lắng. Sau khi được cán bộ thú y hướng dẫn, hằng ngày, gia đình phun thuốc khử trùng từ 2 đến 3 lần, tiêm kháng sinh hạ sốt. Về dinh dưỡng thì cắt cỏ rồi trộn với cám cho bò ăn.

Cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc bò mắc bệnh tại xã Minh Lập

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Đồng Hỷ hiện có hơn 6.500 con trâu, bò. Tính đến nay có 139 con bò bị viêm da nổi cục, tiêu hủy 2 con với tổng trọng lượng hơn 620kg; 12/15 xã, thị trấn công bố dịch. Ngay sau khi bệnh xuất hiện, huyện Đồng Hỷ đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch; Quyết định về việc công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được huyện Đồng Hỷ triển khai thực hiện là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Lưu ý vùng có nguy cơ cao, vùng trọng điểm chăn nuôi trâu bò như các xã Minh Lập, Hòa Bình, Nam Hòa…, điểm mua bán gia súc. Khuyến cáo bà con chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của dịch; các hộ chăn nuôi phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là không giết mổ, tiêu thụ động vật mắc bệnh; không chăn, thả gia súc để hạn chế lây lan trên diện rộng.

Tại một buổi kiểm tra thực tế tại huyện, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc cách ly ngay từ ban đầu chính là yếu tố mang tính chất quyết định: Việc đầu tiên phải là phải làm tốt công tác cách ly, tuyên truyền để người dân biết đây là bệnh mới, bệnh lạ. Cần tìm cách tăng sức đề kháng cho vật nuôi, nếu gia súc có sức khỏe tốt sẽ có thể “thắng” được virus.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, qua thống kê sơ bộ thì phần lớn bệnh xuất hiện ở trên bò, tuy nhiên trâu cũng có thể mắc bệnh với biểu hiện không rõ ràng. Đồng Hỷ có đặc thù là huyện miền núi, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, một bộ phận nhỏ người dân chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống dịch, hơn nữa, bệnh viêm da nổi cục chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, bà con nhân dân cũng cần chủ động phòng, chống dịch theo khuyến cáo, tuyệt đối không được chủ quan. Ngay sau khi có vắc xin, Đồng Hỷ sẽ triển khai tiêm phòng trong toàn huyện.

Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân trong công tác phòng, chống dịch, Đồng Hỷ quyết tâm khống chế dịch có hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng.

Trường Giang (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2142744